Em ngoan hiền

Em ngoan hiền
Khi em đi học mẫu giáo, người ta thường khen em ngoan hiền.Khi em vào tiểu học, người ta thường khen em ngoan hiền.

Khi em lên trung học, người ta thường khen em ngoan hiền

Khi em học phổ thông, người ta thường khen em ngoan hiền.

Với bề dày thành tích 3 năm nhận đều đều phiếu bé ngoan, 12 năm cầm sổ liên lạc về nhà với dòng nhận xét hạnh kiểm tốt. Ko ngoan hiền thì là gì?

Khi em vác hành lý đi học xa nhà, người ta vẫn khen em ngoan hiền, nhưng kèm theo đó là đôi lời lo lắng về việc xa nhà, ko ai quản lý, em sẽ bớt ngoan hiền.

Vài năm trôi qua, đúng là em có bớt ngoan hiền thật.

* * * * * * *

 

Bao nhiêu năm trời dưới sự quản lý của gia đình và nhà trường, em được dạy rằng phải làm thế này thế nọ, phải sống thế này thế kia. Em vẫn răm rắp tuân theo, sống trong khuôn khổ, và hài lòng với cuộc sống như vậy.

Nhưng giờ thì khác, tại sao lại cứ phải sống thế nhỉ.

Em vẫn nhớ bài học đầu tiên, là phải lễ phép chào hỏi người lớn. Lời chào cao hơn mâm cỗ mà. Nhưng sau này em nhận ra rằng cỗ thì có nhiều loại, và người lớn thì cũng thế, nên em tạm phân loại như thế này:

– Những người phải chào.

– Những người nên chào.

– Những người ko bắt buộc phải chào.

– Những người ko đáng chào

Em cũng được dạy rằng, phải tốt bụng, hòa nhã với mọi người xung quanh. Nhưng sau này em nhận ra rằng: Đứa nào tốt với em thì em tốt lại. Và em ko làm gì ai, thì cũng đừng ai đụng chạm gì đến em. Tốt bụng và hòa nhã, đối với em là như thế.

Em cũng được dạy rằng, ko được nói tục chửi bậy. Em nghiêm chỉnh chấp hành. Nhưng sau này em nhận ra rằng: Thỉnh thoảng có văng tục một, hai câu cũng chả sao.

Mà văng tục với chửi tục cũng khác nhau đôi chút đấy nhé.

Chửi là việc dùng từ ngữ tục tĩu, cay độc nhằm vào đối phương để thị uy, chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận, cãi vã, hoặc để nhắm tới một đối tượng nào đó.

Văng tục là khi nóng giận, bực dọc dồn nén, người ta thường thốt ra một từ ngữ thô tục, một câu chửi thề gì đấy.

Văng tục thường xuyên, trở thành câu cửa miệng cũng có thể coi là chửi tục. Tất nhiên là em sẽ ko biến nó thành thói quen đâu. Khoa học cũng đã nghiên cứu, khi người ta đang nóng giận, bực tức chuyện gì, thì văng tục cũng là một cách để giảm strees. Em cũng chỉ muốn giảm strees thôi mà, công nhận là thấy nhẹ người thật =))

Em còn được căn dặn thêm bao nhiều điều nữa. Ngoan thì phải làm thế này. Hiền thì phải làm thế nọ. Nhưng kệ mợ nó đi, em ko muốn có khuôn khổ, ràng buộc nào hết, em lớn  rồi, em sống theo cách em muốn, em cần tự do…

* * * * * * *

Ko biết mọi người quan niệm trai ngoan thì phải thế nào. Nhưng theo em được biết thì 90% trai ngoan đang chịu sự quản thúc của nhà trẻ, và 10% còn lại thì cũng thuộc dạng lơ ngơ như em ngày xưa.

Ngày xưa, em ngoan lắm, giờ đỡ nhiều rồi. Nhưng bản chất của em vẫn là một người hiền lành.

Mỗi người lại có một nhận định khác nhau.

Một người đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên có thể được coi là hiền lành.

Một người trầm tính, ít nói cũng có thể coi là một người hiền lành. Nhưng theo em thì những người thế này mới là những người nguy hiểm =)) , ko ai biết trong lòng họ suy tính điều gì, dân gian chả nói” tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi “còn gì.

Cũng có khi, dội nước sôi giết chết người ta, rồi chặt xác ra từng mảnh làm mắm, vẫn có thể tự hào vỗ ngực: “Em hiền như cô Tấm”.

Người ta thường nói “Ở hiền thì gặp lành”, ko hẳn như vậy, ở hiền thường bị bắt nạt hơn. Mình hiền nhưng ko phải đứa khác cũng lành. Thế nên hiền lành nhưng còn phải mạnh mẽ. Chứ ko phải là hiền lành yếu đuối.

Hiền lành quá, ngơ ngác chẳng biết cái gì, người ta cho rằng ngu. Hiền lành ko có nghĩa là ai bảo sao nghe vậy, “quan tám cũng ừ, quan tư cũng gật”, ko có nghĩa là ai quát nạt gì cũng ngồi im re, ko có nghĩa là bị áp bức ko dám phản kháng lại.

Nếu bây giờ có ai khen em ngoan hiền, “ngoan” thì em ko dám nhận (dù rằng em biết so với khối thằng thì em vẫn ngoan hơn chán), còn “hiền” thì xin thưa là em sẽ hiền tùy lúc, tùy người, và  hiền có giới hạn.

Đấy, em có đôi lời chém gió vậy thôi! Cứ gặp em đi rồi sẽ biết em hiền thế nào ^^