Ăn xin chuyên nghiệp


Ăn xin chuyên nghiệp

Sắp tới ngày “Diệt sâu bọ”, thế là hứng lên tổ chức một chuyến du lịch về nguồn.

Nói toẹt ra là bắt xe khách về quê.

Bến xe Mỹ Đình thì vẫn như mọi khi, đông đúc, nhốn nháo.

Ngồi trên xe, vừa lôi bánh mì ra ăn thì thấy có tiếng kim loại gõ chan chát ở hàng ghế đầu, ngẩng lên đã thấy một chị phụ nữ đang cầm 2 cái thìa gõ vào nhau, vừa gõ vừa cất tiếng hát kể nghèo kể khổ, trông có vẻ rất thành thục và bài bản.

Nghĩ thầm trong đầu: “OMG! Lại gặp phải ăn xin chuyên nghiệp rồi!”

Hát được một lúc, chị ta bỏ thìa xuống, cầm cái mũ đi từng hàng ghế, chìa ra xin xỏ mọi người. Thôi thì ai cũng nhanh chóng móc túi bỏ ra vài đồng. Sau khi đi một lượt, đến chỗ tôi ngồi ở cuối xe, chị ta cầm cái mũ dí sát vào mặt tôi, miệng thì vẫn hát lanh lảnh. Chẳng thấy tôi phản ứng gì, chị ta đập đập cái mũ  vào đùi tôi rồi nói: “Em zai ơi cho chị xin mấy nghìn”

Tôi ngồi rung đùi, miệng nhai kẹo cao su, nhìn chị ta, bảo luôn một câu: “Không cho!”

Mấy người ngồi bên cạnh quay sang nhìn tôi.

Miẹ! Nhìn cái gì mà nhìn! Đừng nhìn tôi, mà hãy nhìn chị ta đi, trông khỏe mạnh và nhanh nhẹn, chẳng đui què sứt mẻ gì, còn trẻ, có sức khỏe, tại sao không kiếm lấy một công việc gì đó mà làm? Nếu đứng trước mặt tôi là một cụ già, một đứa trẻ hay một người tàn tật thì tôi chẳng tiếc mấy đồng bạc lẻ. Hoặc vẫn là chị ta, nhưng bê một thúng bánh kẹo, nước ngọt gì đấy như nhiều người vẫn thường làm, thì tôi còn mua giúp. Tôi không phải người keo kiệt, tích cóp từng xu, chẳng bao giờ tôi tiết kiệm được tiền, có tiền trong tay là cứ bay đi hết. Nhưng nói thật là nhìn gương mặt ranh ma của chị ta thì thà tôi vứt tiền xuống sông còn hơn.

Những người móc túi cho tiền, ko rõ vì lòng thương người, vì xúc động bởi giọng hát não nề của chị ta, hay là vì chiếc mũ to đùng của chị ta kề ngay bên mặt.

Chị ta lướt qua chỗ tôi, đi xin hết đến hàng ghế cuối rồi bước ra khỏi xe, đóng cửa rầm một cái.

Trông cái dáng chị ta bước đi, tự nhiên tôi nghĩ, nếu có thử vật tay đọ sức thì thế nào chị ta cũng thắng, còn nếu có chạy đua 100m thì chắc tôi cũng sẽ thua. Nhìn tôi gày còm ốm yếu thế này, cho tôi đi đóng ăn xin có lẽ còn hợp hơn.

Cái thìa chị ta cầm để gõ còn đẹp hơn mấy cái thìa tôi mua ở Big C.

Mỗi ngày có hàng nghìn chiếc xe ra vào bến, ko biết bao nhiêu người từ nơi này nơi khác đổ về. Công sức bỏ ra cũng chẳng nhiều, cứ lên hết xe này đến xe nọ, có lẽ mỗi ngày số tiền chị ta kiếm được có lẽ còn hơn chán những người đang phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để kiếm từng đồng ở các nơi khác.

Ở khắp mọi nơi, cứ mỗi mùa đền chùa, lễ hội, ăn xin đứng xếp hàng dài cả cây số, nằm lê la trên đường, kêu van rền rĩ. Trong đám ấy, biết ai thật ai giả? Đâu phải ko có những người giả  vờ tàn tật để kiếm vài đồng bạc lẻ. Rồi có những ngôi làng khá giả, giàu có nhưng lúc nông nhàn ko có gì làm vẫn kéo nhau đi ăn xin. Cả những gia đình vẫn đủ cả bỗ lẫn mẹ, nhưng lại đẩy con cái ra đường làm ăn xin, tối lại về ăn cơm nhà?…

Tôi ko vơ đũa cả nắm, trong đống ăn mày vẫn có những người thật sự đáng thương. Người Việt Nam hay thương người, giàu lòng trắc ẩn. Có trách thì trách những kẻ khỏe mạnh, thừa sức lao động nhưng lại đi lợi dụng lòng tốt của mọi người để kiếm ăn.

Lòng trắc ẩn thì tôi có, nhưng mà ko nhiều, và tôi nghĩ cũng nên dùng sao cho đúng chỗ. Thế nên lần sau ngồi trên xe mà có gặp lại chị ta hoặc những người tương tự như chị thì chắc tôi cũng vẫn làm thế thôi.

Bình luận về bài viết này