Tên của tôi là Lưu Tùng

Tên tôi là Lưu Thanh Tùng
Tên của tôi là Tùng.Lưu Thanh Tùng.

Ngày xửa ngày xưa, khi chưa có phương pháp siêu âm để xác định giới tính thai nhi. Có hai cái tên được đặt ra:

 Nếu là con trai, sẽ là Lưu Quang Tùng, đây là tên do bố đặt cho tôi.

 Nếu là con gái, thì là Lưu Thị Hằng Nga, đây là tên do các anh chị nhao nhao đòi đặt cho tôi, khi mong ước nhà có thêm một đứa em gái. Thú thật là tôi thấy cái tên này rất chối, lỡ lớn lên mà chẳng xinh như Hằng Nga  mà lại hao hao thým Nở thì đúng là tủi hổ cho người mang cái tên.

Khi tôi ra đời, mọi người căn cứ vào một số thứ và nhanh chóng quyết định lấy tên Lưu Quang Tùng.

Thế nhưng bác hàng xóm tốt bụng đi làm giấy khai sinh cho tôi lại khai tên tôi là Lưu Thanh Tùng. Bố mẹ chậc lưỡi, thôi kệ, cũng thế cả thôi.

Vậy là tôi mang cái tên đấy từ đó đến giờ.

Hello! My name is ...

Xét ra, Tùng là một cái tên phổ biến. Lớp học nào cũng có một vài thằng Tùng. Thi tốt nghiệp, thi Đại học, có rất nhiều lớp chỉ toàn Tùng là Tùng.

Thanh Tùng cũng là một cái tên phổ biến không kém, có lẽ chục thằng Tùng thì phải đến quá nửa là Thanh Tùng.

Trong một lớp học có tới 4 thằng Thanh Tùng thì để phân biệt, người ta gọi theo họ, gọi là Lưu Tùng, chứ chẳng ai gọi là Thanh Tùng cả.

Cái tên là thứ để xác định bản thân là ai, và để phân biệt với những người khác. Nhưng thật tệ nếu tên mình giống với quá nhiều người, và người ta lúc nào cũng nhầm lẫn.

Tôi không thích bị giống người khác, càng không thịch bị gọi nhầm tên. Ban đầu, gọi nhầm thì tôi còn bảo người ta sửa lại. Về sau, gọi nhầm mãi tới mức phát ngán, gọi đúng thì tôi quay đầu lại, ko thì lướt thằng, coi như không nghe thấy.

Giá tôi là Quang Tùng, hay Mạnh Tùng, Duy Tùng, Hữu Tùng, Đức Tùng… hoặc một cái tên gì đấy đỡ phổ biến hơn thì tốt.

Mỗi một cái tên đều mang một ý nghĩa riêng. Cô bạn học chung lớp cấp 3 ngày trước đã dịch tên tôi thế này:

–  “Lưu” trong từ “lưu manh”

– “Thanh” nghĩa là màu xanh.

– “Tùng” thì chắc là cây tùng

Tạm dịch: Cây tùng xanh lưu manh.

Xin đính chính lại là tôi không hề lưu manh đâu nhé, mà ngược lại, vô cùng lương thiện. Cả bầu trời đạọ đức, đại đương tư cách thế này, đứa nào nói ta lưu manh, ta vả chết.

Tên tôi cũng nằm trong Tứ Quý: Tùng, Cúc, Trúc, Mai.

Tùng với Mai thì đặt cho nhiều người quá rồi. Trúc và Cúc thì ít hơn một chút.

Hôm trước đi thực tập, thấy trong đống hồ sơ khách hàng có ông là tên Vi Văn Cu, con gái tên là Vi Thị Cúc. Hai bố con Cúc Cu, hợp lý quá còn gì =))))))

Đi nhiều nơi, gặp nhiều người, mới thấy các cụ ngày xưa, và một số cụ ngày nay, đặt cho con cái nhiều cái tên ngộ quá. Ngẫm lại thấy tên mình còn đẹp chán.

Gõ tên lên Google, thấy toàn ra diễn viên điện ảnh Hồng Kông Lưu Tùng Nhân. Buồn kinh khủng! Có lẽ bao giờ mình nổi tiếng hơn lão ấy thì tên của mình mới được hiện lên trang đầu của kết quả tìm kiếm.

Mà bây giờ muốn nổi tiếng nhanh nhất chắc mình phải gây ra một vụ trọng án động trời, cướp-giết-hiếp gì đấy. Có lẽ phải ngang tầm vụ cướp vàng. Tivi, đài báo, các trang lá cải sẽ giật tít ầm ĩ. Cái mặt của mình sẽ xuất hiện nhan nhản. Người ta nhìn lắc đầu ngao ngán: “Ôi dào! Cái thằng đấy trông mặt mũi hiền lành thế mà … abc, xyz….”

Nổi tiếng thì cũng có nhiều cách để nổi mà, trong đó có tai tiếng.

Mà cũng ko nhất thiết phải gây án, chỉ cần đầu tư một clip nhạc thật hoành tráng, nhưng đếch ra gì, tung lên mạng. Nếu đủ độ hút khách và may mắn, người ta sẽ để ý đến, và lại tung hô: Thảm họa mới! Hiệu ứng dây chuyền, bao nhiêu người vào xem, lượt view và dislike tăng ầm ầm. Clip và cái mẹt của mình sẽ được đem chế, xào nấu đủ kiểu. Hehe, Nói vậy thôi, chứ một đứa vô danh tiểu tốt như mình thì làm sao đủ trình để làm được điều đó. Để được nổi tiếng như siêu sao thảm họa hiện giờ cũng ko phải dễ đâu.

Thà không ai biết đến nhưng được sống trong bình yên, còn hơn là ai ai cũng biết tên nhưng lại kèm theo bao nhiêu điều tiếng.

*******

Sau này nếu có con, tôi sẽ đặt cho nó một cái tên không quá phổ biến, nhưng cũng ko cần phải quá độc. Có lẽ sẽ là những vần đầu tiên trong bảng chữ cái. Để đứng đầu danh sách, giáo viên hay gọi. Điểm danh thì ko được đi trễ. Đi thi thì ngồi bàn đầu mà ngắm giám thị… Cho nó biết thân biết phận mà học hành tử tế.

Haiz, thật là lắm chuyện với những cái tên. Cái tên của tôi không có gì đặc biệt, nhưng cũng có những ý nghĩa riêng, và những câu chuyện riêng. Chắc tên bạn cũng vậy chứ? ^^

Ánh sáng của tình yêu

Ánh sáng của tình yêu

Đã một năm kể từ khi Susan bị mù vì một chẩn đoán sai của bác sĩ, cô đột ngột bị ném vào thế giới của bóng tối, tức giận, tuyệt vọng và mặc cảm. Và tất cả những gì đủ để cô còn bám víu vào cuộc sống là vì bạn trai cô – Mark.

Mark là một sĩ quan quân đội. Anh rất yêu Susan, đã nhìn thấy cô tuyệt vọng đến mức nào, anh quyết định giúp Susan lấy lại được sức mạnh và tự lập. Đầu tiên, anh tìm cho cô một công việc dành cho người khiếm thị. Nhưng làm sao cô đến chỗ làm việc được đây? Mark đề nghị đưa cô đến chỗ làm hằng ngày, dù hai người ở hai đầu thành phố. Tuy nhiên sau đó, Mark nhận ra rằng đó không phải là giải pháp. Susan sẽ phải tự mình đi xe buýt, tự đến chỗ làm – đó mới là cách đúng. Nhưng Susan rất nhạy cảm, cô ấy sẽ phản ứng thế nào?

Đúng như với Mark nghĩ, Susan hết sức hốt hoảng khi nghe tới việc mình phải tự đi xe buýt. “Em bị mù mà!”- Cô phản ứng bằng giọng cay đắng -“Làm sao em biết em sẽ đi đến đâu? Anh bỏ rơi em phải không?”.

Mark rất đau lòng khi nghe những lời đó, nhưng anh biết phải làm gì. Anh hứa sẽ cùng cô đi xe buýt mỗi sáng và mỗi chiều, bao lâu cũng được, cho đến bao giờ cô quen với việc đi xe buýt. Trong hai tuần liền, Mark trong bộ quân phục, đi theo Susan đến nơi làm việc. Anh dạy cô làm sao để sử dụng các giác quan khác, nhất là thính giác, để biết mình đang ở đâu và làm sao để quen với môi trường mới. Anh cũng giúp cô làm quen với những người lái xe buýt, nhờ họ để mắt đến cô, giữ cho cô một chỗ ngồi hằng ngày…

Cuối cùng, Susan nói cô có thể tự đi được. Sáng thứ hai, lần đầu tiên, họ đi theo hai hướng khác nhau. Thứ ba, thứ tư, thứ năm… Mỗi ngày Susan đều tự đi xe buýt đến chỗ làm và đón xe buýt đi về. Susan cảm thấy rất vui vì cô vẫn tự mình làm được mọi việc. Thứ hai của 5 tuần sau đó, Susan đón xe buýt đi làm như mọi khi. Khi cô đang đóng tiền mua vé tháng cho người lái xe, bỗng anh lái xe nói: “Tôi thật ghen tỵ với cô đấy nhé!”.

Susan không biết có phải anh ta nói với mình không. Nhưng nói cho cùng, có ai mà lại đi ghen với một cô gái mù đang đấu tranh để mà sống chứ? Cô hỏi:

– Sao anh lại ghen với tôi được?

– Vì cô được quan tâm và bảo vệ. Cô quả là hạnh phúc!

– Tôi được bảo vệ? Anh nói thế tức là sao?

– Suốt mấy tuần qua, sáng nào tôi cũng thấy một chàng trai mặc đồng phục quân đội lái xe theo, rồi đứng bên kia đường nhìn cô xuống xe. Anh ta nhìn theo đến khi cô đi qua đường an toàn, đi vào nơi cô làm việc và vẫy tay chào cô rồi mới lái xe đi. Cô quả là một người may mắn!

Susan khóc. Vì cô không nhìn thấy Mark nhưng cô cảm thấy Mark ở bên cạnh. Cô là người may mắn vì cô đã nhận được một món quà mà cô không cần phải nhìn thấy tận mắt để tin: Món quà của tình yêu có thể mang ánh sáng đến những nơi nhiều bóng tối nhất.

“Hạn sử dụng” của tình yêu

Ngày xa xưa hay đến tận bây giờ, Tình Yêu vốn được đóng gói sẵn trong những cái hộp thắt nơ xinh xinh trên thiên đường. Sau đó Tình Yêu mới được gửi xuống trần gian theo đường tàu lửa Giấc Mơ hay như hiện tại là bằng tàu cao tốc (nên mới sinh ra những “tình yêu sét đánh”). Cách đóng hộp chẳng thay đổi là mấy, khác chăng chỉ là ngày xưa làm dạng thủ công. Hộp tình yêu làm ra ít nhưng cực kỳ chất lượng, còn bây giờ tất cả đều có máy làm thay,trách nhiệm của các thiên thần nhẹ nhàng hơn nên cũng hay lơ đễnh mà không xem xét kỹ các hộp Tình Yêu. Vì vậy mới có hộp nhạt phèo, hộp quá đậm đặc, thậm chí hộp không có gì…

Lại kể tiếp chuyện xưa…

Trong mẻ xuất xưởng những hộp Tình Yêu đầu tiên, khi các Thiên Thần mang đến hỏi Thượng Đế quyết định nên đóng hạn dùng mấy năm: một năm, hai năm, hay mười năm, thì Thượng Đế đã mỉm cười đáp: ” Các ngươi đừng in hạn sử dụng.Ta đã có chủ ý của ta.”

Và các hộp Tình Yêu được ban phát xuống trần gian với hạn sử dụng không ghi chi cả. Ai nhận được nó, mở ra rồi thì không bao giờ còn giống như trước nữa. Nó làm người ta khóc, người ta cười, hạnh phúc và cả đau khổ; làm con người ta say đắm, ngất ngây như nếm mật ngọt, lại có khi ê chề, muốn quên đi tất cả.

Các đôi mới vừa yêu nhau rất nồng nàn, mãnh liệt. Nhưng sau một thời gian, tình cảm cứ như vơi dần.

Đàn ông thì cứ thắc mắc: “Ngày xưa cô ấy dịu dàng bao nhiêu, thì bây giờ ngoa ngoắt bấy nhiêu.”

Phụ nữ cũng cảm thấy không hài lòng: “Trước đây anh ấy rất tinh tế, còn hiện tại thì vô tâm lạ kỳ?”

Thế là mọi người nháo nhào cả lên “Hộp Tình Yêu hết hạn sử dụng rồi!”

Rồi họ ngày đêm khẩn cầu xin được ban tặng hộp Tình Yêu mới. Có người được toại nguyện, có người chờ đợi mỏi mòn trong tuyệt vọng. Vì ai nhận được hộp Tình Yêu là một chuyện ngẫu nhiên, và tùy duyên mà thôi.

Các thiên thần nghe những lời van xin, cầu nguyện thống thiết ngày càng nhiều thì đâm ra mệt mỏi. Họ bèn kéo nhau đến gặp Thượng Đế xin người hãy in hạn sử dụng hộp Tình Yêu là một trăm năm để chẳng còn ai phải than thở vì Tình Yêu hết sớm quá nữa.

Thượng Đế nghe xong mỉm cười. Người lấy cho các thiên thần xem con dấu dùng để in hạn sử dụng của hộp Tình Yêu mà Người chưa bao giờ sử dụng: “Vô thời hạn”. Vâng đúng là vô thời hạn. Tình yêu không có tuổi, không bị bào mòn, và cũng không bao giờ cạn kiệt hay ngừng thổn thức theo thời gian.

Các thiên thần càng thêm ngạc nhiên:”Nếu thế sao con người ta lại hết yêu nhau nhanh đến vậy?”

Thượng Đế lại cười: “Hộp tình yêu không phải là hết hạn mà là bị họ làm hỏng mất rồi. Cái gì cũng phải đọc kỹ trước khi sử dụng. Tình yêu là vĩnh cửu, vô thời hạn. Nhưng cách yêu như thế nào để giữ được tình yêu đó là cả một vấn đề. Con người ta chỉ suốt ngày nói rằng yêu, yêu lắm, yêu mãi mãi. Nhưng họ không bao giờ chịu học “cách yêu thương một người” nên cuối cùng tự làm mất đi tình yêu của chính họ mà thôi.

Hãy nói YÊU thôi, đừng nói YÊU MÃI MÃI

Sáng nay, trong khi sắp xếp những chồng thư cũ, tôi tình cờ đọc lại một bài thơ ngắn của Jacques Prévert mà cô bạn cũ nắn nót chép tặng trên một tờ thư có in hoa rất đẹp. Bài thơ vỏn vẹn năm câu được cô đặt vắt qua hai trang giấy một cách đầy ngụ ý

Trang thứ nhất:

“Tôi sung sướng và tự do 

Như ánh sáng

Bởi hôm qua anh ấy nói với tôi rằng anh ấy yêu tôi

Hai câu cuối bị đẩy qua trang sau:

Anh ấy đã không nói thêm

rằng anh ấy sẽ yêu tôi mãi mãi…”

Khi đọc bài thơ này cách nay hai mươi năm, tôi đã cảm nhận nó bằng một tâm hồn tươi trẻ. Bây giờ, cuộc sống giúp tôi nhìn có lẽ đã khác đi về bài thơ trên trang giấy đã ố vàng này.

Cô gái trong thơ nhạy cảm và tinh tế, vì đã không đợi đến khi người mình yêu quay lưng mới xót xa nhận ra rằng tự do “như ánh sáng” chỉ là một thứ tự do mong manh. Hạnh phúc “như ánh sáng” là một hạnh phúc có thể vụt tắt bất cứ lúc nào.

Nhưng giả sử chàng trai có nói thêm rằng “sẽ yêu mãi mãi”, hoặc có thề hứa trăm năm đi nữa… ai dám khẳng định trái tim chàng sẽ không đổi thay? Nếu từng đọc Ruồi Trâu, hẳn bạn còn nhớ đọan văn này: “Ràng buộc con người không phải là lời thề. Chỉ cần mình tự cảm thấy thiết tha với một điều nào đó, thế là đủ rồi.”

Ngoài sự “thiết tha tự nguyện” đó ra, chẳng có gì ràng buộc được trái tim con người, nên đừng tin chắc rằng ai đó sẽ mãi không đổi thay. Cũng không thể buộc ai đó không được đổi thay. Trên đời không có thứ vũ khí hay quyền lực tuyệt đối nào có thể níu giữ trái tim một khi nó đã quyết tâm rẽ lối. Cho dù đó là nhan sắc, một tình yêu sâu đậm, những kỷ niệm sâu sắc đắm say. Càng không phải là sự yếu đuối, sự khéo léo sắc sảo hay vẻ thông minh dịu dàng, sự giàu có hay thương hại…Những thứ đó có thể níu kéo một thân xác, một trí óc…nhưng không thể níu kéo một trái tim.Trái tim vốn là một tạo vật mong manh và thiếu kiên định. Vì vậy, hãy tin vào điều thiện, lòng tốt, vào nhân cách và năng lực…nhưng đừng tin vào sự bất biến của nhận thức và tình cảm nơi con người. Hãy tin là mình được yêu trong khoảnh khắc này, nhưng đừng chắc rằng mình sẽ được yêu mãi mãi. Nếu chịu chừa chỗ cho sự đổi thay, ta sẽ tránh được không ít tổn thương sâu sắc.

Tôi không cho niềm tin là món quà vô giá mà ta dành cho người khác. Bởi đôi khi, sự tin tưởng hoá ra là một việc rất… đơn phương và vô trách nhiệm. Nó có nghĩa bắt người kia vào rọ, không tính đến khả năng thay đổi của trái tim con người. Tin tưởng là trút gánh nặng sang vai người khác, bất kể người ta có chịu nhận nó hay không. Việc nhận định hay quyết định vấn đề không còn dựa vào sự thận trọng, tỉnh táo, sáng suốt hay sự nhạy cảm, bao dung của ta mà hoàn toàn giao phó cho người khác. Và nếu khi họ thay đổi, ta thường nhân danh sự tin tưởng tuyệt đối mà mình đã tự nguyện gửi gắm để cho phép mình cái quyền được ghép tội họ.

Nhưng, BẤT CỨ AI cũng có thể có lúc đổi thay.

Sự thay đổi của người khác, nhất là ở người ta vô cùng yêu quý, chắc chắn khiến ta tổn thương. Nhưng hãy nhớ rằng người quân tử khi đã hết tình cảm thì thường tỏ ra lạnh nhạt. Như ẩn sĩ Urabe Kenkô trong tập Đồ Nhiên Thảo đã viết: “Khi người sáng chiều hết sức thân quen, không có gì ngăn cách bỗng một hôm lại làm mặt lạ và có cử chỉ khác thường, chắc hẳn sẽ có kẻ bảo: “Sao xưa thế kia mà bây giờ lại thế khác?” Theo ta, thái độ lạnh lùng đó chứng tỏ người ấy hết sức đàng hoàng và thành thật.”

Cuối cùng đó mới chính là cốt lõi của tình yêu, tình bạn và những mối quan hệ thân sơ khác. Sự thành thật, chứ không phải là lời hứa vĩnh viễn thủy chung. Bạn có thể yêu hay ghét. Thích hay không còn thích nữa. Chỉ cần thành thật, bạn sẽ luôn luôn thanh thản.

Tôi đọc lại lần nữa bài thơ ngắn ngủi trên tờ thư cũ, và cảm nhận một cách rõ rệt vẻ trách móc đắng cay dịu dàng rất đỗi con gái. Nhưng ít nhất cô gái trong bài thơ kia cũng biết rằng người yêu cô đã rất thành thật, khi không hứa một điều mà anh không tin chắc. Cô cũng biết trái tim con người là một tạo vật hoàn toàn tự do, và một khoảnh khắc đắm say hạnh phúc không hề là lời hứa hẹn vĩnh cửu.

Cô bạn yêu quý của tôi chắc cũng nhận ra điều đó, nên đã viết thêm một dòng chữ xinh xinh vào cuối trang thư, một dòng ngắn mà tôi không bao giờ quên được:

“HÃY NÓI YÊU THÔI, ĐỪNG NÓI YÊU MÃI MÃI”.