Luôn chờ em cúp máy trước

Luôn chờ em cúp máy trước
Ngày ấy, khi cô gái và chàng trai đang yêu nhau thắm thiết. Mỗi lần gọi điện thoại, hai người chuyện trò tưởng chừng không bao giờ dứt. Cuối cuộc gọi, luôn là cô gái gác máy trước, sau khi đã cố nấn ná, không muốn nói lời tạm biệt, chàng trai lại từ từ cảm nhận hơi ấm còn vương lại của giọng nói trong không trung, và một nỗi buồn man mác, vấn vương, lưu luyến.

Sau đó, hai người chia tay. Cô gái nhanh chóng có người yêu mới, một anh chàng đẹp trai, hào nhoáng. Cô gái thấy rất mãn nguyện, và cũng rất đắc ý. Nhưng rồi về sau, cô dần dần cảm thấy giữa hai người dường như thiêu thiếu một điều gì đó, sự bất an đó khiến cho cô thấy như có một sự mất mát mơ hồ. Là điều gì vậy nhỉ? Cô cũng không rõ nữa. Chỉ là khi hai người kết thúc cuộc gọi, cô gái cảm thấy khi mình chưa kịp nói xong một nửa câu “Hẹn gặp lại”, thì đầu dây bên kia đã vang lên tiếng “cạch” cúp máy. Mỗi lúc như vậy, cô luôn thấy cái âm thanh chói tai đó như đóng băng lại trong không trung, rồi xuyên vào trong màng nhĩ. Cô cảm thấy dường như người bạn trai mới giống như một cánh diều đứt dây, đôi tay yếu ớt của mình sẽ không thể níu giữ được sợi dây vô vọng đó.

Rồi cũng đến một ngày, hai người cãi nhau. Anh chàng đó chán nản, quay người bỏ đi. Cô gái không khóc, mà cảm thấy như là được giải thoát.

Một hôm, cô gái chợt nhớ đến người yêu đầu tiên, bỗng thấy bùi ngùi: Chàng “ngốc” đợi nghe cô nói xong câu “Tạm biệt”. Cảm xúc đó khiến cô nhấc máy. Giọng của chàng trai vẫn chân chất, bình thản như xưa. Cô gái thì chẳng thốt lên lời, luống cuống nói “Tạm biệt”

Lần này cô không gác máy, một xúc cảm khó gọi thành tên khiến cô im lặng lắng nghe sự tĩnh lặng của đầu dây bên kia.
Chẳng biết bao lâu sau đó, đầu dây bên kia vọng đến tiếng của chàng trai, “Sao em không cúp máy?” Tiếng của cô gái như khản lại, ” Tại sao lại muốn em cúp máy trước?”. “Quen rồi”. Chàng trai bình tĩnh nói, “Anh muốn em cúp máy trước, như vậy anh mới yên tâm”.

“Nhưng người cúp máy sau, thường cảm thấy nuối tiếc, như vừa để tuột mất một điều gì.” Cô gái hơi run run giọng. “Vì vậy, anh thà nhận sự mất mát đó, chỉ cần em vui là đủ.” Cô gái không kìm nổi mình, bật khóc, những giọt nước mắt nóng hổi thấm đẫm cả vùng kí ức tình yêu thuở nào. Cuối cùng, cô cũng hiểu ra rằng, người không đủ kiên nhẫn để nghe cô nói hết câu cuối cùng, không phải là người mà cả đời này cô mong đợi.

Hoá ra, tình yêu đôi khi thật giản đơn, chỉ một khoảnh khắc đợi chờ, đã có thể nói lên tất cả.

Sự tích thời hiện đại về chú mèo không có miệng

Sự tích thời hiện đại về chú mèo không có miệng

Cuộc sống của người Nhật rất tất bật. Trong thời đại công nghiệp, máy tính và tên lửa, người lớn đi làm, trẻ em đi học, cứ thế hàng ngày, hàng tuần…

Họ ít có thời gian để ý đến nhau. Cuộc sống tẻ nhạt, nhưng có lẽ họ không cảm thấy vậy, vì họ còn quá bận rộn với công việc hàng ngày.

Một cô bé sống trong một gia đình điển hình như vậy. Bố mẹ đi làm thì cô bé đến trường, rất ít khi gặp nhau. Cô muốn nói chuyện nhưng không biết nói với ai. Chẳng ai có thì giờ ngồi nghe cô nói. Bạn bè cũng cuốn quýt với những ca học, một số thì mải mê với trò chơi điện tử hiện đại với hình ảnh ảo ba chiều như thật. Cô bé cảm thấy cô đơn và thu mình vào vỏ ốc. Nhưng cô cũng không được yên, vì cô rất bé nhỏ và nhút nhát nên hay bị những đứa trẻ lớp trên trêu chọc, giật cặp sách, giật tóc, đôi khi cả đánh nữa.

Một buổi chiều, khi bị nhóm bạn lớp trên lôi ra làm trò đùa, cô buồn bã đi ra công viên gần nhà, ngồi trên ghế đá và khóc. Khóc một lúc, cô ngẩng lên thì thấy một ông già đang ngồi cạnh mình. Ông già thấy cô ngẩng lên thì hỏi:

– Cháu gái, tan học rồi sao không về nhà mà lại khóc?

Cô bé lại òa lên tức tưởi:

– Cháu không muốn về nhà. Ở nhà buồn lắm, không có ai hết. Không ai nghe cháu nói!
– Vậy ông sẽ nghe cháu!

Và cô bé vừa khóc vừa kể cho ông già nghe tất cả những uất ức, những buồn rầu trong lòng bấy lâu nay. Ông già cứ im lặng nghe, không một lời phán xét, không một lời nhận định. Ông chỉ nghe. Cuối cùng, khi cô bé kể xong, ông bảo cô đừng buồn và hãy đi về nhà.

Từ đó trở đi, cứ tan học là cô bé vào công viên ngồi kể chuyện cho ông già nghe. Cô thay đổi hẳn, mạnh dạn lên, vui vẻ lên. Cô bé cảm thấy cuộc sống vẫn còn nhiều điều để sống.

Cho đến một hôm, cô bé bị một bạn trong lớp đánh. Vốn yếu đuối không làm gì được, cô uất ức và nóng lòng chạy đến công viên để chia sẽ cho vơi bớt nỗi buồn tủi. Cô bé vội vã, chạy qua đèn đỏ…

Ngày biết tin cô bé mất, vẫn trong công viên, vẫn trên chiếc ghế đã mà cô bé hay ngồi, có một ông lão lặng lẽ đốt một hình nộm bằng giấy. Đó là món quà mà ông muốn đưa cho cô bé ngày hôm trước, nhưng không thấy cô bé đến. Hình nộm là một con mèo rất đẹp, trắng trẻo, có đôi tai to, mắt tròn xoe hiền lành, nhưng không có miệng. Ông già muốn nó ở bên cạnh cô bé, mãi lắng nghe cô mà không bao giờ phán xét.

Từ đó trở đi, trên bàn học của mỗi học sinh Nhật thường có một búp bê hình mèo không có miệng – Chú mèo hiện nay đã mang hiệu “Hello Kitty” (bạn đã bao giờ để ý mèo Hello Kitty không hề có miệng?) – chú mèo được làm ra với mục đích lắng nghe tất cả mọi người.

Tôi không biết “sự tích” Hello Kitty này có thật hay không. Tôi cũng không phải nhà quảng cáo cho thương hiệu ấy. Tôi chỉ biết mỗi lần nhìn hình chú mèo Hello Kitty là một lần tôi được nhắc nhở phải biết lắng nghe người khác – thực sự lắng nghe.